Có lý thuyết cho rằng con đường tư duy là một chuỗi phủ định và phủ định sự phủ định … , như những vòng xoay của một bánh xe. Mỗi vòng quay của “bánh xe biện chứng” ấy, đưa con người đến gần sự thật hơn, dù không bao giờ đạt được đến nó. Thí dụ chúng ta có vật lý của Aristote, được biết là sai từ Galilée, vật lý Newton, chỉ đúng trong một số điều kiện, được thay thế bắng thuyết tương đối, “đúng” một cách phổ quát hơn. Nhưng thuyết tương đối trong trường hợp các hạt cơ bản, lại có những mâu thuẫn với vật lý lượng tử, v.v…
Con đường của hiểu biết đi từ “sai” này sang “sai” khác, khiến cho người ta từ ngồi xe bò và viết thư trên các mảnh đất sét, chuyển sang Aibus 330, Smart Phone, điện thư v.v…
Đâu là động cơ của sự vận hành này ?
Cần nhận xét là một trong những đặc tính của sự sống là : một “cá thể sống” luôn tự phủ định nó vào mỗi giây lát. Điều này cho phép một phôi bào tí tẹo trở thành bạn đọc của tôi, hay một sinh vật đơn bào cách đây 3,8 tỷ năm trở thành con người, v.v… Tức là sự “tự phủ định” nằm trong bản chất của chính sự sống.
Bước sang lĩnh vực nhận thức, thì điều cần biết là trong nhiều trường hợp chúng ta không nhìn thiên nhiên một cách vô tư như cái nhìn của một tấm gương mà nhìn như một ý thức có chủ ý. Chủ ý ấy là động lực để cái nhìn của chúng ta về sự vật cũng luôn tự phủ định nó, luôn tìm một góc nhìn mới hơn, sâu xa hơn …
Chủ ý cho phép cái nhìn của chúng ta vế sự vật thay đổi, với sự hợp tác của giác quan, thực nghiệm và suy luận.
Nguyễn Hoài Vân
21/4/2015