Sau khi đánh bại được chính quyền họ Khúc, Nam Hán chỉ chiếm được thành Đại La và kiểm soát được một phần vùng đồng bằng sông Hồng chứ chưa thiết lập được chính quyền đồ hộ bao trùm lên cả nước ta như buổi đầu thời thuộc Đường. Tại Châu Ái (Thanh Hoá), Châu Hoan (NghệTĩnh), các hào trưởng địa phương và tướng tá cũ của họ Khúc vẫn giữ quyền kiểm soát đất đai và dân cư.
Dương Đình Nghệ ở làng Ràng (Dương Xá, Thiệu Hoá, Thanh Hoá) là hào trưởng ở địa phương, một tướng cũ của họ Khúc đã tập hợp lực lượng kháng chiến. Năm 931, Dương Đình Nghệ chiếm được thanh Đại La, lập lại nền tự chủ. Dương Đình Nghệ vẫn tự xưng là tiết độ sứ như họ Khúc. Năm 937, Dương Đình Nghệ bị Kiều Công Tiễn, một viên tướng dưới quyền giết chết đoạt chức tiết độ sứ.
Ngô Quyền, người làng Đường Lâm (Hà Tây) là con rể của Dương Đình Nghệ, trước được Dương Đình Nghệ cử trông coi Châu Ái đã tập hợp lực lượng để trừng phạt Kiều Công Tiễn. Năm 938 khi Kiều Công Tiễn cầu cứu quân xâm lược Nam Hán, Ngô Quyền đã kéo quân ra Bắc diệt Kiều Công Tiễn sau đó đánh bại quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng. Từ đó, triều Nam Hán phải vĩnh viễn từ bở dã tâm xâm lược nước ta. Bằng chiến thắng Bạch Đằng lịch sử năm 938, dân tộc ta đã thực sự đè bẹp được ý chí xâm lược của kẻ thù, chấm dứt hơn 1000 năm đô hộ của các triều đại phong kiến phương Bắc.
Như vậy, trong vài chục năm đầu thế kỉ X, từ trong phong trào đấu tranh giải phóng kiên cưởng, bền bỉ của nhân dân đã xác lập được những chính quyền tự chủ, đặt nền móng cho việc xây dựngmột nhà nước độc lập dân tộc vững chắc, có chủ quyền hoàn toàn vào thời kì sau này.