Vấn đề « giải cấu » trong triết học của Derrida không dễ nắm bắt. Xin đề nghị một tiếp cận đơn giản. 

§§§§§§§§§§§§§ 

Trước hết cần hiểu Derrida coi “giải cấu” như một hiện tượng khách quan, bắt buộc, biệt lập với mọi chủ đích. Chúng ta chỉ có thể quan sát hiện tượng ấy, chứ không làm ra nó, không chủ động thực hiện nó. Điều “hay” nhất mà chúng ta có thể “làm” đối với giải cấu, là ý thức nó, một cách sâu xa nhất có thể được. 

Vì thế những chỉ trích thường nghe, kiểu như : “Derrida chủ trương giải cấu, nhưng không thay thế nổi cấu trúc đã giải thể ấy, bằng bất cứ gì”, là hoàn toàn không có nội dung.
Người ta cũng khó mà xây dựng được một “chủ thuyết” trên sự giải cấu, vì tự thân sự giải cấu sẽ làm tan rã cái chủ thuyết vừa được hình dung ! 

Đối với cấu trúc chủ nghĩa, Derrida cho rằng trong nội bộ các cấu trúc, đều tiềm tàng một cơ chế giải cấu. 
Đối với quan điểm của Heidegger về nguồn gốc, Derrida cho thấy mọi nguồn gốc đều hư ảo (1). Vì thế, cắt nghĩa triết học hiện đại từ nguồn gốc cổ Hy Lạp của nó, với Platon, Aristote v.v… là vô nghĩa. 

Đối với hiện tượng luận, Derrida cho thấy cái mà sự vật làm hiện lên trong tâm trí, được coi như “chân lý cao nhất” của cá nhân, liền khi được coi như một “thực thể” thì cũng lập tức bị giải cấu. 

Derrida luôn từ chối định nghĩa giải cấu. Mãi đến năm 1988, cực chẳng đã, với nhiều dè dặt, ông đã gọi giải cấu là « Plus d’une langue » và không cắt nghĩa gì thêm (2). Tám năm sau, ông lập lại định nghĩa này trong « Le Monolinguisme de l’autre ». 

Xin giữ « Plus d’une langue » trong Pháp văn, và tìm cách giải thích nó : 

1) Plus d’une langue có thể là « nhiều hơn một ngôn ngữ ». Tức là phải có nhiều ngôn ngữ mới diễn đạt được điều mình muốn phát biểu. Derrida từng chỉ ra rằng ngôn ngữ mà ta sử dụng, cái tiếng « mẹ đẻ » của mình, thật ra không phải là ngôn ngữ của chúng ta. Nó là ngôn ngữ mà người khác đã nhét vào đầu chúng ta. Chúng ta có nhu cầu vượt thoát ra ngoài ranh giới của nó, tìm một sự khai phóng, như đến với những ngôn ngữ khác, để có thể « nói » ra một cách đầy đủ hơn những gì mình mang trong lòng. 

2) Plus d’une langue cũng có thể được hiểu ngược lại là « không một ngôn ngữ nào ». Thật vậy, bất kỳ ngôn ngữ nào cũng đòi hỏi chúng ta phải chấp nhận nó, phải phục tùng những quy luật, lý lẽ, những mô hình đã ấn định sẵn của nó. Sự trải nghiệm cuộc sống của chúng ta, với những đa dạng và phức biến đặc thù, luôn đòi hỏi buông thoáng, tự do, nên sẽ không thể được biểu lộ một cách trung thực, trong gông cùm áp bức của ngôn ngữ. Và vì ngôn ngữ luôn thất bại trong việc nói hết những gì muốn nói, nên chính trong những gì không nói ra, những gì không thể trở thành ngôn ngữ, mà « sự sống » (3) hé lộ … 

3) Plus d’une langue lại còn có thể được hiểu như « nhiều hơn những gì được nói ». Nó mời gọi chú tâm đến ẩn nghĩa của lời nói. Thật vậy, phạm vi của một phát biểu luôn rộng hơn những gì được nói ra. Câu nói luôn « nói » nhiều những gì nó nói. Vì thế, « nhiều hơn những gì được nói » là chú ý nghe những câu chuyện ẩn tàng sau một lời nói. 
Ba ý nghĩa này thật ra, đều diễn đạt cùng một ý tưởng. Nhu cầu phải dùng thêm một hay nhiều ngôn ngữ, hay nhận định bất cứ ngôn ngữ nào cũng bất lực, hoặc ý thức rằng mọi phát biểu đều mang những ý nghĩa ẩn tàng đàng sau, đều đưa đến cùng một ý tưởng, là : điều được nói hay viết ra không bao giờ đạt đến mục tiêu mà nó nhắm đến. Nó không nói được những gì muốn nói, vì phải chịu sự áp đặt của các mô hình sẵn có của ngôn ngữ, với tính cách « ngôn ngữ của người khác ». 
Nói rộng ra, toàn bộ văn hóa, như sản phẩm của ngôn ngữ cũng mang cùng số phận. Mọi văn hóa đều là « văn hóa của người khác », được nhồi nhét vào đầu mỗi người chúng ta, với những quy định, những giá trị, những kinh điển của nó. Chúng ta được giáo dục để quý mến nó, thậm chí tôn sùng nó, nhưng văn hóa ấy chính là một yều tố tha hóa nặng nề. 

Giải cấu, trong điều kiện ấy, mặc nhiên « tháo gỡ » những gì đến từ ngôn ngữ, từ những nói, viết, của từng người, cho đến toàn bộ văn hóa của một xã hội, và cho phép hướng đến việc cảm thông với những gì không thể diễn bày của các trải nghiệm riêng tư. Nó mang một ý nghĩa đạo lý, vì đặt nặng sự tôn trọng tha nhân, như một cá thể đặc thù, mặc dù nó không thể nói ra được điều ấy (4). 

Nói cách khác, giải cấu là «cảm thông », chứ không phải « hiểu ». Khi nói « hiểu », người ta đóng khung đối tượng « bị » hiểu trong một hệ thống. Hệ thống ấy chính nó cũng cần được hiểu, khiến cho sự « hiểu » luôn được xây dựng trên một vùng tối, một vũng lầy u ám … 
Giải cấu, tự nó, trả lại cho mọi điều nói, viết (5), những dấu vết của sự tha hóa, đồng thời giải tỏa những áp bức mà tha nhân phải chịu đựng từ ngôn ngữ và văn hóa. 
 
Nguyễn Hoài Vân
25/12/2016 

(1) “Một Nhân Thân (Căn cước – Identity) không bao giờ được truyền giao, được thọ nhận, hay có thể đạt đến. Không, chúng ta chỉ có thể gánh chịu cái tiến trình vô tận, mãi mãi hư ảo, của việc nhân thân hóa”. (in : Le Monolinguisme de l’autre – tr 53) 

(2) Mémoires pour Paul de Man – Galilée – 1988. 

(3) Sự sống riêng tư, tức sự sống duy nhất có thật. 
(4) Vì nếu nó « nói ra », thì vẫn lại chỉ là một trò chơi ngôn ngữ, lập lại những quy dịnh của ngôn ngữ, trong một hệ thống bị áp đặt, và phản bội những gì muốn « nói ra ». 

(5) « Nói, viết », ngày nay phải được mở rộng thêm tới những phương tiện « nghe thấy » (audiovisual) được ghi lại như sách vở thời « xưa ».